Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái Tây Bắc có những điều kiêng kỵ nhất định. Điều đó không chỉ phản ánh đời sống tâm linh, luật tục có được qua quá trình phát triển xã hội, mà còn mang những nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Vào một mường, một bản hoặc một gia đình người Thái, nếu gặp một tấm phên đan mắt cáo bằng tre nứa (tiếng Thái là ta liêu) hoặc ba nhánh cúc tần – co nát cùng ba nhánh cà gai – mák quạnh thì đấy là dấu hiệu thông báo những điều kiêng kỵ nhất định. Khi tổ chức lễ cúng bản, cúng mường – Xên bản, xên mường , đây là lễ cúng tưởng nhớ các bậc có công với bản mường đã được nhân dân tôn làm thành hoàng và cầu mong những điều tốt lành cho bản mường và mỗi người. Nơi cửa ngõ ra vào bản mường có cắm ta liêu để trấn yểm không cho ma tà vào quấy nhiễu, không cấm người ra vào, ai thành ý và thiện lương đều được vào dự lễ hội.
Những nơi công cộng như một khúc sông, suối có cắm ta liêu, thì đấy là nơi cấm không được đánh bắt cá. Thời gian cấm có thể từ hai đến ba năm trở lên để cho cá sinh sôi phát triển, chỉ đến khi trưởng bản cho phép mọi người mới được đánh bắt chung và chia nhau công bằng. Khúc sông suối ấy người Thái gọi là vắngk hảm – tức là vũng cấm và ngày được đánh bắt cá gọi là phá pa vắngk hảm – tức là phá cá ở vũng cấm. Đây là ngày hội thực sự của bản mường, có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi lứa tuổi. Chẳng thế mà người Thái có câu ca: Chụ van ná/ phá pa vắngk hảm – có nghĩa là: Một đàng người tình nhờ làm ruộng, một đàng phá cá ở vũng cấm, biết chọn đường nào?
Khi vào rừng thấy một cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây có tổ ong có vết dao bập vào thân tước ra một mảnh vỏ có đặt hai đoạn cây buộc chéo là những thứ đã có chủ, không được xâm phạm.
Mỗi dòng họ lại có những điều kiêng kỵ riêng: Họ Lò kiêng không ăn thịt chim Tắng lòk (một loại chim giống chim cu), không ăn quả tảng lòk, không ăn măng lòk. Họ Lường không ăn nấm mọc trên thân cây đã mục căm tò. Họ Cà không ăn thịt chim bìm bịp – cốt canh và không dùng nước mưa chảy từ mái nhà xuống. Họ Hoàng không ăn thịt hổ – xưa, mèo – miu. Họ Vi không ăn thịt rắn – ngúk , lươn – dấn.
Người Thái cũng có lịch riêng (chậm hơn nông lịch sáu tháng) và cũng tính theo chu kỳ can – chi. Tuỳ từng dòng họ, cứ mười ngày lại có một ngày kiêng khác nhau. Đây là ngày giỗ tổ, mọi người ở nhà không đi đâu và không làm những việc trọng như đám cưới, dựng nhà: Vên ók nha pay đông/ vên tông nha pay sỏn – Có nghĩa là ngày sinh không đi rừng, ngày kiêng không đi suối. Đến bữa trưa, gia đình làm mâm cơm cúng ở gian thờ – hỏng hóng. Mâm cúng không cần cầu kỳ, nhưng phải có: Cơm, cá, rau, rượu: Họ Lò kiêng ngày ất – mự hặp. Họ Đồng, họ Lường kiêng ngày canh – mự khốt. Họ Cầm Ngọc kiêng ngày tân – mự huộng. Họ Cầm Văn kiêng ngày bính – mự hái.
Mỗi gia đình khi có treo cành lá xanh – co nát hoặc mák quạnh buộc cùng mẩu củi cháy dở là trong nhà có sản phụ mới sinh con, phải sưởi lửa để trừ ma tà, phòng bệnh tật và cầu cho đứa con yêu nên người. Sinh con trai sưởi lửa bảy ngày, sinh con gái sưởi lửa chín ngày. Những ngày này không cấm người lạ lên nhà, nhưng trong lúc bước lên cầu thang, khách đều ý tứ nói: Nha chắp nha pét nơ/ E nọi ơi! – có nghĩa là: Đừng giống như tôi nhé, bé ơi (cách nói khiêm nhường mong đứa trẻ hậu sinh khả uý). Người nhà có em bé mới chào đời lịch lãm trả lời: Ơ/ Chắp pét ben đì đò – Nghĩa là: Được giống như (bác chú), được như (bác, chú) thì càng tốt, càng hay. Khi trong gia đình có người bị ốm – chếp hại, thầy cúng – một lao dùng co ná và mák quạnh treo để trừ tà ma, người lạ không được lên nhà hai, ba ngày. Mỗi người trong cộng đồng đều phải tôn trọng những điều kiêng kỵ chung và mỗi người lại có những điều kiêng kỵ riêng tuỳ vào giới tính, hoàn cảnh.
Con gái Thái Đen đã có chồng, tóc phải búi trên đỉnh đầu gọi là tằng cẩu. Tóc của cô dâu được bện cùng những sợi tóc của bà, của mẹ sau mỗi lần chải gom lại. Đấy không chỉ là thông điệp hoa đã có chủ mà còn chuyên chở ý nghĩa nhân sinh cao đẹp: Truyền thống, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Trừ khi gội đầu, nếu người phụ nữ nào tự tiện buông tóc xuống sẽ bị cộng đồng chê cười, coi đấy là người hư hỏng.
Con trai không đi vào gầm sàn dành cho nữ giới – chan và không đi dưới dây phơi váy áo. Người Thái quan niệm nếu làm ngược lại sẽ yếu vía – số lông bun lông. Song khi bắt buộc phải vào như đuổi gà, lợn thì phải dùng co nát hoặc mák quạnh chải ba lần từ trán về phía sau rồi vứt về phía mặt trời lặn hoặc xuống dòng nước chảy.
Cũng vì vậy mà vào nhà người Thái không nên xoa đầu trẻ em hoặc đánh vào đầu, vì đầu là nơi hồn chủ trú ngụ, làm như vậy là sai, là xúc phạm tới hồn chủ – phít khuôn hua.
Khi trong nhà có người qua đời, hồn chủ trên đầu biến thành ma nhà – phi hướn. Ban ngày ma nhà ngủ trên xà nhà nơi gian thờ – hỏng hóng. Vì vậy người Thái không mang thịt, cá tươi qua gian thờ kẻo ma nhà ngửi thấy đòi ăn, chủ nhà sẽ đau ốm. Ngoài ra cũng không đem cành lá xanh qua gian thờ, vì ma nhà ngỡ đó là rừng cây, nơi trú ngụ của ma quỷ, ma nhà sẽ hỏi chủ nhà làm cho chủ nhà bị ốm. Khi đi đám ma về, trước khi lên nhà bao giờ cũng phải dùng co nát và mák quạnh dúng nước chải từ đầu đến chân, vứt về phía mặt trời lặn hoặc xuống dòng nước chảy rồi mới được lên nhà
Trong bữa ăn, trên đầu mâm có hai chén nhỏ đặt song song gọi là chẻn nóng. Người ngồi gần chẻn nóng là người cao tuổi hoặc được quý trọng. Trước khi uống chén rượu đầu, bao giờ mỗi người cả chủ và khách đều phải san chút rượu từ chén của mình vào chẻn nóng và rót vài giọt xuống sàn để mời tổ tiên và hồn vía của khách, tỏ lòng kính trọng và cầu chúc tốt lành.
Khi gắp thức ăn cho trẻ không gắp chân gà – tin cáy, đầu gà – hua cáy, quả tối táp lưm, vì người Thái quan niệm: Ăn chân gà không giữ được tiền, ăn đầu gà nói không ai nghe theo, ăn quả tối sẽ quên tất cả.
Những điều kiêng kỵ của người Thái Mường Lò còn rất nhiều, đây chỉ là những điều cơ bản bây giờ vẫn được mỗi người và cộng đồng tôn trọng và tự giác tuân theo. Điều đó không mang mầu sắc mê tín dị đoan mà là nét đẹp văn hoá, trân trọng cuộc sống, trân trọng con người và cầu mong một cuộc sống trường tồn, ấm no, hạnh phúc.
Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam cơ bản có nhiều điều kiêng kỵ giống nhau, song tuỳ từng vùng có những thay đổi ít nhiều do đặc điểm vùng, miền cùng sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Điều đó đem lại những sắc mầu riêng làm phong phú thêm bản sắc văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc đáng được trân trọng.
Các bài đã đăng