Cầu mưa “pay so phôn” là nghi lễ không thể thiếu trước mỗi mùa vụ mới của người Thái đen Mường Lò – Yên Bái. Trong hội cầu mưa này, con người không chỉ cầu xin các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, mà còn thông qua các yếu tố tâm linh để khuyên răn, nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Bởi vậy đằng sau cái vỏ chứa đựng yếu tố mê tín dị đoan, là giá trị nhân văn sâu sắc, giúp con người có thêm nghị lực, niềm tin vào sức lực và tài trí của mình, hướng mỗi người tới những giá trị đạo đức chân chính, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Người Thái quan niệm có sự tồn tại của hai thế giới. Thế giới thực gồm sự sống của con người và muôn loài mà con người thấy được. Còn thế giới siêu nhiên là lực lượng quyết định sự sống trên trái đất. Người Thái rất coi trọng việc cúng tế bởi quan niệm: “Côn đẩy kin cáo đi/ Phi đẩy kin cáo cụm”, tức là: Người được ăn cho chủ tốt bụng/ Ma được ăn phù hộ cho người. Bên cạnh đó người Thái Tây Bắc còn cho rằng thần linh cai quản mưa gió, thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho, nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán, đây cũng là cách trừng phạt những người phụ nữ có con ngoài giá thú, vì vậy trong hội cầu mưa bao giờ cũng do một người đàn bà góa – “me mải” đại diện dẫn đầu cùng dân bản cầu xin các vị thần chủ nước, chủ sông suối (biểu tượng cụ thể là thuồng luồng – “tô ngựa”) để mời các thần linh về lắng nghe nguyện vọng và phù hộ cho con người.
Bà góa cùng các bà, các mẹ trong bản mặc áo tơi cọ – “sửa cọk”, đội nón, cùng khênh bung đến từng nhà để quyên góp. Các bà còn đem theo một chiếc mõ tre – “khe mọ” và một chiếc mẹt – “lổng”. Đến nhà nào các bà cũng gõ mõ báo hiệu và gõ mẹt rồi cất tiếng hát: “Dú hươn bấu lê?/ Me nang ơi?/ Khắp tu lét haử é/ Khay tu phôn haử é/ So nặm phôn háy cả/ So nặm Phạ háy na/ Háy na háy ta cả/ Háy cả háy lí lo/Khẩu dú hay tai phoi/ Hòi dú na tai lệnh/ Pảnh dú sả hôm quân/ Măn dú khủm tai ẩu/ Báo thẩu tai dạ pa/ Báo na tai da nhiểu da nhiếng/ … Mựt ma sương áng ỏm/ Cóm ma cờ áng nin dơ. Có nghĩa là: Có ở nhà không bà nàng ơi/ Đóng cửa nắng cho tôi/ Xin nước mưa làm mạ/ Xin nước trời làm ruộng/ Vừa làm ruộng vừa làm mạ/ Làm mạ làm nhanh nhanh/ Lúa trên nương đã chết khô/ Ốc ở ruộng chết cạn/ Bánh men rượu thành khói/ Sắn dưới đất chết thối/ Con trai không còn nơi bắt cá/ Con cà niễng không có để ăn/… Trời tối như nước chàm/ Mây đen về như mực…”
Các nhà tùy điều kiện, người góp gạo, người góp rượu, sắn, khoai để vào mẹt rồi các bà mới chuyển vào bung, chủ nhà và đoàn người cùng hát: “Phôn phôn giơ/ Lôm lôm giơ”, có nghĩa là: “Mưa nhanh nhanh/ Gió nhanh nhanh”.
Khi đã có đủ lễ vật, đoàn người rước hình mô phỏng “Tô Ngựa” đến địa điểm cúng lễ, bà góa dùng mẹt làm mâm, đặt lễ vật vào và bắt đầu cúng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước, chủ sông suối về ăn lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu xin trời làm mưa: “Mơi chaủ phảu tu lét mướng bun/ Mơi chảu phảu tu phôn mướng phạ/ Mơi ma kin chịn mu luông, mu pi to lỏng/…Kin lẹo chắng coi cáo đi/ Lảy kin pang chắng coi cáo cụm/ Khắp tu lét mướng bun haử nớ/ Khay tu phôn mướng phạ haử nớ”… Có nghĩa là: Mời chủ giữ cửa nắng của trời/ Mời chủ coi cửa mưa của thiên/ Xin mời về ăn thịt lợn nạc to bằng máng giã gạo… Ăn rồi xin rủ lòng thương/ Ăn xong thì xin phù hộ/ Đóng cửa nắng lại nhé/ Mở cửa mưa đi thôi. Bà góa tổ chức cho dân bản ăn uống vui vẻ và cùng múa hát cầu mưa. Không thể thiếu các điệu xòe truyền thống, bởi “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe lúa không trổ bông…”. Sau đó tất cả dân bản, thanh niên nam nữ cùng nhau ra những chỗ còn nước, mọi người vừa té nước lên nhau, vừa đồng thanh: “Phôn phôn giơ/ Lôm lôm giơ”.
Điều độc đáo ở hội cầu mưa của người Thái Mường Lò là vai trò của nghi lễ cúng tế không nhiều. Ta chỉ thấy bà góa cùng các bà mẹ tảo tần chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân ái. Trong xã hội người Thái xưa, phụ nữ là người phải chịu nhiều khó nhọc, đặc biệt là những người góa chồng, hoặc có con ngoài giá thú, bởi không có bàn tay người đàn ông làm những việc nặng nhọc. Người Thái có câu: “Vịa phủ nhính dệt bấu lảy po tai/ Vịa phủ trai dệt bấu lảy po hảy”. Có nghĩa là: Việc nặng của con trai, con gái làm không được thà chết/ Việc của phụ nữ con trai không làm được muốn khóc. Vì vậy trong hội cầu mưa việc chỉ có các bà, các mẹ đến từng nhà quyên góp và cầu mưa có một ý nghĩa đặc biệt, hành động và lời cầu xin cho bản mường của những người phụ nữ nghèo khổ ấy thấu đến tận trời xanh.
Bà góa như một sứ giả chuyển tải nguyện vọng chính đáng của dân bản với các đấng siêu nhiên, đồng thời có vai trò như một thủ lĩnh. Bà góa cùng các bà đến từng nhà kêu gọi lòng đoàn kết, thức dậy lòng nhiệt tình, ý chí và quyết tâm của dân bản. Phải chăng sự đoàn kết xây dựng nên những công trình thủy lợi “mương, phai, lái lin” và vai trò của người phụ nữ của thời kỳ mẫu hệ của người Thái được biểu đạt tinh tế qua hình ảnh đầy nhân ái này.
Hình tượng chiếc mõ và mẹt vừa mang ý nghĩa âm dương giao hòa, sinh sôi phát triển. Chiếc mẹt như bầu trời thu nhỏ, tiếng gõ mẹt tượng trưng cho tiếng sấm báo hiệu trời mưa. Cái mẹt với người Thái còn có những ý nghĩa sâu sa, tinh tế. Mẹt mang hồn lúa gạo, khi mỗi đứa trẻ ra đời đều được đặt vào mẹt cho hay ăn chóng lớn; xưa những đôi vợ chồng hiếm muộn con lấy mẹt làm giường để nhanh có con; khi mỗi người Thái đen qua đời, mẹt để quạt lửa trong lễ hỏa thiêu, sau đó bao giờ hài cốt cũng được rửa sạch rồi đặt vào mẹt trước khi chôn cất…
Cùng với Lễ hội “Xên bản xên mường”, tức cúng bản cúng mường để tri ân các bậc đã có công dựng xây và bảo vệ nên đất Mường Lò đã được nhân dân tôn làm thành hoàng, lễ hội cầu mưa là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu mùa mưa, sau tết nguyên đán. Cùng với nghi lễ đón tiếng sấm đầu mùa được coi là quyết định của chúa trời, của các vị thần gió, thần mưa, chủ sông suối… trước nguyện vọng của dân lành, người Thái Mường Lò còn coi đây là Hội cầu mùa có ảnh hưởng to lớn đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả cộng đồng, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của bản mường năm ấy, nên bao giờ cũng được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con.
Gần đây, trong “Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng miền toàn quốc hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long diễn ra tại Trung tâm triển lãm VHNT, số 2 Hoa Lư, Hà Nội, từ ngày 6.10 đến 9.10.2008 với sự tham gia của hai mươi tỉnh thành trong cả nước, tiết mục sân khấu cải biên: “Hội cầu mùa của người Thái Mường Lò”, mà nền tảng chính là Hội cầu mưa, được dư luận đánh giá là một trong những tiết mục độc đáo đặc sắc nhất.