Ai đã từng đến Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ), một vùng đất phì nhiêu, trù phú của vùng Tây Bắc, nơi có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay rộng thứ hai khu vực Tây Bắc, nổi tiếng với “gạo trắng, nước trong”, với đặc sản chè tuyến Shan cổ thụ, với hương thơm nồng nàn của nếp Tan Tú Lệ. Nơi đây còn là mảnh đất quần cư của người Thái đen giàu bản sắc, đậm đà phong tục, tập quán.
“Muốn ăn gạo trắng nước trong
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò’’
Với những thửa ruộng bậc thang mượt mà, óng ả trong nắng, trải tới chân núi xa, Mường Lò xứng với câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.
Trong số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc, thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Mường Lò hiện nay gồm thị xã Nghĩa Lộ và một số xã thuộc huyện Văn Chấn. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ. Vào mùa xuân, sương mù càng đậm đặc hơn.
Thung lũng Mường Lò.
|
Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Đỉnh dẫy núi xa đổ xuống những dòng thác mây như từ trên trời đổ xuống mỗi khi vào đông khiến ta tưởng như thấy thác núi Lư trong thơ Lý Bạch đời Đường “Thác bay thẳng xuống ba nghìn thước/Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây…”. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò.
Mỗi mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang lại vàng rực một màu.
Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh (Điện Biên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu truyện sử thi của người Thái, hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái Đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Còn Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái Trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu.
Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được nhiều người biết đến.
Thị xã Nghĩa Lộ nhỏ bé miền tây Yên Bái, nằm lọt thỏm giữa lòng chảo cánh đồng Mường Lò bao la, bao bọc bởi dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44% với bao bí ẩn, hấp dẫn về văn hóa khiến người đời mê mẩn khám phá.
Con trâu là con vật quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp của người Thái đen Mường Lò. Một năm cầy cấy vất vả trong dịp tết Síp Xí đồng bào dân tộc Thái nơi đây cũng cho trâu được “ăn tết” bằng nghi thức cúng vía cho trâu “Tám khuôn quai”, cầu xin tổ tiên thần thánh che chở, bảo vệ cho trâu được khỏe mạnh để giúp đỡ gia đình trong sản xuất nông nghiệp.
Xuôi theo quốc lộ 32 về Mường Lò, Yên Bái, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang, tiến về phía núi; con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một nét lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng; bóng những người con gái Thái duyên dáng gánh lúa trên vai rẽ ngang con suối...
Mường Lò còn đẹp bởi lời hát Lượn mềm mại bổng trầm, bởi làn điệu Xòe đẹp như thôi miên du khách đường xa.
Một chiều, bên mâm rượu với canh rêu suối, châu chấu rang khô và thịt trâu sấy bản Đêu, Mường Lò, lại được nghe những câu hát mời rượu:
“Ly riệu đầy như tấm lòng không bao giờ vơi/Anh có muốn làm quen/Anh hãy uống cạn ly này/Một ly là để em chào/Hai ly là để làm quen/Em không biết hát/Em hát không hay/Em vẫn hát mời anh ly rượu này…”
thì quả là khó lòng rời bước khỏi chốn này.
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh về Mường Lò:
Đặc sản Mường Lò
Đối với người Thái ở Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ), sống trên vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những sản vật tự nhiên, vì vậy từ xa xưa, họ đã tích lũy, xây dựng được cho mình một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn.
Xôi ngũ sắc
Trong các mâm cơm cúng tế đều có món “Khẩu cắm” (cơm nhuộm màu), được nấu từ gạo trắng rồi nhuộm các loại màu: xanh, đỏ, tím, vàng (khẩu cắm khiêu, khẩu cắm lanh, khẩu cắm lăm, khẩu cắm lương...), màu của “khẩu cắm” đều được chiết xuất từ những loại cây, lá, dược thảo tự nhiên nên không hề có hại cho sức khỏe của người thưởng thức. Theo phong tục của họ, 5 màu này thể hiện cho các màu của tất cả các đồ vật trên thế gian. Vì vậy, họ muốn dâng tặng mọi thứ của trời đất mà con người có được cho tổ tiên, thần thánh. Mặt khác, nó còn có ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ tới cội nguồn, hướng về tổ tiên...
Đặc sản Rêu suối Mường Lò
Ngoài “khẩu cắm”, ngày lễ, tết của người Thái ở Mường Lò bao giờ cũng phải có các loại bánh, nó gắn liền với lễ hội và ngày tết như một biểu tượng về văn hóa. Vì vậy, nói đến “Pảnh Síp xí” (bánh Síp xí) là người ta nghĩ ngay đến tết Síp xí, đặc biệt, dịp tết Nguyên đán thì không thể thiếu “khẩu tổm” (bánh chưng).
Dế Mường Lò
Cũng tương tự như vậy, “mọk” (xôi tổng hợp) là món ăn quan trọng trong tết Nguyên đán, món này trước được dùng để cúng tổ tiên, sau đó mời bạn bè, anh em cùng thưởng thức. Trong số các loại “mọk” thì “pa Mọk” (xôi cá) được coi là món phổ biến và cũng thơm ngon nhất. Ngoài cá là nguyên liệu chính còn có hoa chuối, hành, gừng, tỏi, sả, ớt, hạt sẻn, các loại rau thơm và bột gạo nếp... Đặc biệt, loại cá làm món “pa mọk” ngon nhất là cá xỉnh (pa khính) và cá khuy - đây là những loại cá nhỏ ăn rêu đá, được bắt tại các con suối chảy quanh vùng Mường Lò.
Hấp dẫn và cũng đặc biệt không kém là món “nhứa xổm” (nem chua). Mỗi dân tộc có một phương pháp làm món này khác nhau, với người Thái, họ làm nem chua bằng phương pháp muối chua thịt lợn nạc cùng thính gạo rang trộn với muối, hạt sẻn hoặc hạt dổi... gói bằng lá dong rồi treo trên gác chạn trong khoảng 5 ngày. Đây là món ăn khoái khẩu của đàn ông dân tộc Thái trong các bữa nhậu vào dịp lễ, tết.
Gần giống “nhứa xổm” là món “pà” (thịt tái chua), đây là món ăn được chế biến gần giống nem chua, cùng nguyên liệu và cách thức nhưng được ăn ngay mà không phải đợi lên men. Món này đối với người lần đầu tiên tiếp xúc thì phải mạnh bạo lắm mới dám ăn vì được chế biến từ thịt sống, chỉ làm chín bằng thính trong khoảng 1 giờ đồng hồ, được ăn kèm với một số loại lá cây. Tuy vậy, theo đồng bào Thái thì món “pà” rất tốt cho đường tiêu hóa và còn có thể chữa được bệnh tiêu chảy.
“Nhứa giảng” (thịt sấy hay còn gọi là thịt hun khói) là món ăn quanh năm của đồng bào dân tộc Thái. Khi thịt đã ngấm gia vị sẽ được buộc lạt treo lên gác bếp để hong khói, dần dần thịt sẽ khô, chín do sức nóng của gia vị tẩm ướp và của khói bếp củi quanh năm đỏ lửa, sau khoảng 2-3 tháng là có thể ăn được. Khi ăn, người ta phải chế biến lại một lần nữa bằng cách nướng trên bếp than củi hoặc vùi trong tro bếp nóng, sau đó dùng chày gỗ đập dập, xé tơi nhỏ...
Ngoài những món ăn kể trên, ngày lễ, tết của người Thái còn rất những món nữa như: “pỉnh tộp” (cá chép nướng), “lượt tả” (tiết canh), “nhứa mản” (thịt xiên nướng), “nhứa pỉnh phặc phằm” (thịt băm gói lá dong nướng), “côống sượng” (lạp sường), “cỏi nhứa mu” (gỏi thịt lợn), “rốik mu” (rồi lợn), “hắm pết” (tiết canh vịt)... Đó đều là những món ăn rất độc đáo, mỗi món có vị ngon riêng nhưng tựu chung lại đều phản ánh sự đa dạng cũng như những nét văn hóa phong phú trong phong cách ẩm thực ngày tết của người Thái vùng Mường Lò Yên Bái.
Theo http://dulich24.com.vn